SẢN PHẨM CAO SU & POLYURETHANE


Thông tin từ thitruongcaosu.net

Theo Hiệp hội cao-su Việt Nam, niên vụ 2010-2011, cả nước xuất khẩu hơn 816 nghìn tấn cao-su, đạt giá trị 3,2 tỷ USD, tăng 4,4% về lượng và 35,4% về giá trị so với năm 2010. Năm nay, Hiệp hội các nước sản xuất cao-su tự nhiên (ANRPC) cũng dự báo, Việt Nam sẽ sản xuất được khoảng 955 nghìn tấn cao-su tự nhiên, tăng 17,6% so với năm ngoái và vươn lên vị trí thứ ba thế giới về sản xuất cao-su tự nhiên.

Mặc dù là nước xuất khẩu cao-su hàng đầu thế giới, nhưng đến nay chúng ta vẫn xuất khẩu chủ yếu mủ cao-su thô, sản phẩm chế biến và tinh chế chỉ chiếm từ 5 đến 10% tổng sản lượng. Ðể tạo điều kiện thuận lợi cho ngành cao-su phát triển, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 750/QÐ-TTg về quy hoạch phát triển ngành cao-su đến năm 2015 và tầm nhìn đến năm 2020. Theo đó, mục tiêu đề

Nhà máy cao su viet, sản xuất cao su phụ tùng
Nhà máy cao su viet, sản xuất cao su phụ tùng

ra đến năm 2015 là, cả nước sẽ có 800 nghìn ha cao-su và sản lượng mủ cao-su đạt 1,2 triệu tấn.

 Tuy nhiên đến năm 2011, cả nước đã có tới 834.200 ha cao-su, với sản lượng mủ 1,2 triệu tấn. Dự báo, năm 2012, diện tích trồng cao-su có thể đạt tới 900 nghìn ha và sản lượng mủ cao-su ước đạt 1,4 triệu tấn, vượt 200 nghìn tấn so với mục tiêu đề ra, và đưa nước ta trở thành nước có nguồn nguyên liệu cao-su thiên nhiên khá dồi dào. Ðây là yếu tố rất quan trọng để phát triển công nghiệp cao-su Việt Nam. Ngược với sự tăng trưởng của diện tích và sản lượng mủ cao-su, đầu tư cho công nghiệp chế biến và tinh chế mủ cao-su lại vừa thiếu, vừa yếu, không đủ khả năng cho ra các sản phẩm cao-su đa dạng, có chất lượng cao phục vụ trong nước và xuất khẩu, nâng giá trị cho cao-su Việt Nam. Do đó, công việc chủ yếu của nhiều doanh nghiệp cao-su vẫn chỉ là trồng và cạo mủ xuất khẩu. Ðiều này dẫn đến tình trạng cao-su xuất khẩu thường xuyên bị ép cấp, ép giá, và thua thiệt chính là người trồng cao-su.

Ðể cao-su trở thành một trong những mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam, cần quy hoạch lại diện tích trồng cây cao-su theo hướng phát triển bền vững. Theo đó, rà soát lại hiệu quả phát triển cây cao-su ở các vùng, miền, địa phương cả nước; lựa chọn các loại cây giống phù hợp với điều kiện khí hậu, khả năng sinh trưởng trên từng vùng đất; ưu tiên tập trung phát triển tại các vùng, khu vực có nhiều tiềm năng, nhất là những nơi phát triển ổn định của cây cao-su hàng trăm năm nay, như khu vực Tây Nguyên, Ðông Nam Bộ… Cùng với quy hoạch vùng nguyên liệu, cần có chính sách hỗ trợ đầu tư, nhất là cơ chế ưu đãi về công nghệ, lãi suất, để phát triển ngành công nghiệp cao-su trong nước đủ mạnh để có thể tăng sản phẩm chế biến, tinh chế ra thị trường, từng bước hạn chế xuất thô mủ cao-su, góp phần nâng giá trị xuất khẩu và thương hiệu cho cao-su Việt Nam.

 BẢO THY – Nhân dân

http://thitruongcaosu.net/2012/11/19/phat-trien-cong-nghiep-che-bien-cao-su/
(htt)





Share |